Cấu trúc của xoang mũi
Xoang mũi là một thuật ngữ dùng để chỉ các hốc rỗng ở trong các xương đầu mặt. Lớp niêm mạc của những hốc rỗng này được bao phủ bởi một lớp biểu mô có lông chuyển. Chúng thường hoạt động theo một chiều nhằm đẩy các chất nhầy được quét qua lỗ của những hốc xoang rồi đổ vào ngách mũi. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo của xoang mũi:
Tùy vào các vị trí ở trên xương đầu mặt mà các xoang này được phân chia thành các loại xoang khác nhau. Do đó, chúng cũng thường mang những đặc điểm khác biệt, cụ thể như sau:
Xoang trán:
Giống như tên gọi, loại xoang mũi này nằm ngay tại vùng trán. Xoang trán có hình dáng, kích thước không cố định và 2 xoang nằm ở 2 bên cũng thường không giống nhau.
Cấu tạo của xoang trán được chia thành 4 mặt, bao gồm:
- Mặt trước: Mặt này còn gọi là mặt trán, mặt phẫu thuật. Nếu đem đối chiếu với các xương, chúng được giới hạn ở phía trên bởi một đường cong xuống. Đường cong này nối liền hai nửa cung mày với nhau. Còn ở phía dưới là được giới hạn bởi 2 nửa cung của cung mày và gốc mũi.
- Mặt sau: Mặt sau của xoang trán có đặc điểm là mỏng và liên quan đến não và màng não.
- Mặt trong: Bên trong xoang trán là một vách xương mỏng, tạo nên vách để ngăn giữa 2 xoang. Vách này thường không nằm ở chính giữa, do đó mà thể tích của các xoang thường không đều nhau.
- Mặt dưới hay nền: Nó nằm ở trên phần ổ mắt, phía bên trên là một nửa của xoang sàng. Nếu bị viêm xoang, xoang trán thường gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
Xoang hàm:
Trong số các loại xoang, xoang hàm là loại xoang có kích thước lớn nhất trên mặt. Nó có hình tam giác và thường có một hoặc nhiều lỗ thông với ngách mũi giữa qua lỗ bán nguyệt. Vì lỗ thông của xoang hàm thường được đổ vào ngách mũi giữa nên sẽ tạo nên đầu đế thẳng. Đồng thời, nó cũng sẽ không có chỗ trũng. Do đó nếu xoang hàm bị viêm thì các dịch sẽ được đổ ra bên ngoài một cách dễ dàng hơn.
Xoang sàng:
Xoang sàng là các hốc xoang nhỏ nằm ở trong mê đạo sàng. Thông thường, mỗi bên xoang sàng sẽ có khoảng 8 – 19 hốc xoang. Tùy vào vị trí của các hốc xoang mà chúng được chia thành các nhóm như:
- Xoang sàng trước: Chúng nằm xung quanh phễu của xoang trán
- Xoang sàng giữa: Cả 2 nhóm đều cùng đổ vào ngách mũi giữa qua rãnh phễu sàng
- Xoang sàng sau: Đổ vào ngách mũi trên
Xoang bướm:
Loại xoang mũi này thường nằm ở trong thân xương bướm. Cũng giống như xoang trán, kích thước của xoang bướm không cố định mà có thể thay đổi. Nó có 2 hốc xoang và được ngăn cách bởi một vách xương mỏng.
- Phía trên: Tiếp giáp với yên bướm, tuyến yên và nơi giao thoa thị giác.
- Bên dưới: Xoang bướm nằm trên lỗ mũi sau, đồng thời lấn vào vòm hầu khoảng 0.5 cm.
- Phía trước: Có lỗ thông của xoang bướm và ngách mũi ở bên trên.
- Phía ngoài: Xoang bướm có liên quan đến động mạch cảnh trong và xoang tĩnh mạch hang
Chức năng sinh lý của mũi
Mũi có chức năng: hô hấp, phát âm và ngửi. Không khí được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch trước khi vào phổi.
Hô hấp
Là chức năng chính, thành bên của hốc mũi giữ vai trò cơ bản trong trong sinh lý thở vào. Mũi làm ấm, ẩm và làm sạch không khí thực hiện được là nhờ niêm mạc mũi, có hệ thống niêm mạc biểu mô trụ đơn có lông chuyển với các tế bào tiết, với cấu trúc rất giàu mạch máu. Lớp nhầy này bắt giữ các vật lạ để lớp tế bào lông chuyển chuyển ra phía sau mũi với nhịp độ từ 400 đến 800 nhịp/1 phút. Hệ thống màng nhầy này hoạt động rất hiệu quả, nó bảo vệ lớp biếu mô của mũi tuy nhiên cũng dễ bị ảnh hưởng do viêm nhiễm, độ ẩm, hoá học, bụi, vi sinh, vi khuẩn, nấm mốc…
Hệ thống tế bào ở hạ niêm mạc, sản sinh ra các thực bào và dịch thể miễn dịch như các loại IgE, IgG, IgA, IgM…
Ngửi
Mũi cũng đóng vai trò chính trong hệ thống khứu giác. Mũi là khu vực của các tế bào thần kinh khứu giác và chịu trách nhiệm để con người cảm nhận được mùi.
Chức năng khứu giác được thực hiện bởi niêm mạc ngửi ở khoang trên chứa tuyến khứu giác và các tế bào thần kinh cảm giác, diện tích 2 – 3 cm2.
Niêm mạc ở vùng này màu đỏ gạch, mỏng, ít tuyến, ít mạch máu, ít lông tuyến.
Các chất có mùi hoà tan trong lớp màng nhầy trên tế bào cảm giác, tạo kích thích tới dây thần kinh khứu giác. Các tế bào thần kinh có hình dạng như các lông mao. Thông thường, mỗi người có khoảng 1 tỷ các tế bào khứu giác. Do đó, diện tích tiếp xúc của các phân tử mùi với các tế bào khứu giác khoảng 500 – 700 cm2. Điều này giúp con người có khứu giác tương đối nhạy và phân biệt được nhiều mùi khác nhau.
Các tế bào khứu giác có nhiệm vụ chuyển những kích thích đó về hành khứu. Ở hành khứu có những tế bào trung gian chuyển những xung động qua củ khứu rồi về các trung tâm khứu giác ở vỏ não. Các trung tâm này có nhiệm vụ phân tích mùi.
Khứu giác là giác quan đầy tính chất bản năng, có tính chất gợi nhớ lâu dài, mà người ta gọi là quen hơi.
Mũi rất dễ bị tổn thương và rối loạn chức năng khứu giác. Tắc mũi ảnh hưởng lớn đối với việc nhận biết mùi.
Ngoài ra, khứu giác kích thích phản xạ tiết nước bọt và dịch vị ở dạ dày.
Phát âm
Mũi có tác động đến giọng nói, tạo âm sắc, độ vang của giọng. Khi hốc mũi bị bịt kín hoặc tịt lỗ mũi sau hay trước, giọng nói sẽ mất độ vang, thay đổi âm sắc được gọi là giọng mũi kín.
Chức năng của xoang mũi
Tuy được chia thành nhiều loại xoang, nhưng các hốc xoang đều có điểm chung là đóng vai trò quan trọng trong hệ hô hấp. Dưới đây là một số chức năng chủ yếu của xoang mũi:
- Làm ẩm, làm ấm không khí khi đi qua mũi.
- Có tác dụng cổng hưởng âm thanh
- Làm cho khối xương sọ mặt giảm bớt trọng lượng
Do đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng đối với hệ hô hấp nên khi bị các virus hoặc vi khuẩn tấn công, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp điều trị càng sớm càng tốt. Điều này sẽ tránh được nguy cơ mắc biến chứng cho bản thân.
Ngoài ra, giữ cho niêm mạc mũi xoang luôn sạch sẽ để không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của chúng cũng là điều rất quan trọng.